Microsoft nói rằng Windows 10 là phiên bản Windows cuối cùng, nhưng bạn có biết rằng có đến 10 bản Windows 10 khác nhau đang được phát hành trên thị trường không?
Mặc dù lõi hệ điều hành là như nhau, nhưng mỗi bản lại có một số tính năng và tuỳ chỉnh riêng dành cho một số đối tượng người dùng nhất định. Dưới đây là danh sách 10 bản Windows 10 và các đặc tính của nó do trang makeuseof tổng
1. Windows 10 Home
Là phiên bản cơ bản nhất của Windows 10, thường được cài sẵn trên các laptop thông dụng bán ngoài cửa hàng. Windows 10 Home có những tính năng thiết yếu nhất dành cho người dùng gia đình, bao gồm Cortana, khả năng chạy các ứng dụng từ Store, kết nối Xbox, hỗ trợ tablet và màn hình cảm ứng.
2. Windows 10 Pro
Windows 10 Provề cơ bản là bản Home với một số tính năng thêm vào dành cho người dùng cao cấp và các doanh nghiệp nhỏ, trong đó có khả năng tham gia vào domain, hỗ trợ mã hóa BitLocker và hỗ trợ thay đổi Group Policy trên diện rộng. Do đó, hầu hết máy tính trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều sử dụng Windows 10 Pro để giúp các nhân viên IT dễ dàng hơn trong việc cấu hình hệ thống.
Đối với người dùng thông thường có kha khá kiến thức về Windows thì Windows 10 Pro cũng là một phiên bản đáng lựa chọn, vì khả năng thay đổi các thiết lập hệ thống thông qua Group Policy Editor nhanh gọn hơn nhiều so với cách sử dụng Registry truyền thống.
Bạn có thể nâng cấp Windows 10 Home lên thành bản Pro với giá 99 USD.
Nếu bạn ko có điều kiện mua bản Pro thì có thể sử dụng một số phần mềm bên thứ 3 để mang lại các tính năng của bản Pro cho máy tính của mình. Ví dụ: TeamViewer thay cho Remote Desktop, VeraCrypt thay cho BitLocker.
3. Windows 10 S
Windows 10 S là một trong những bản Windows 10 mới vừa được tung ra thị trường, với các tính năng được giản lược. Trên Windows 10 S, bạn chỉ có thể cài các ứng dụng từ Windows Store, không thể dùng các trình duyệt web khác làm mặc định thay cho Edge, và cũng không thể thay đổi bộ máy tìm kiếm mặc định từ Bing sang Google hay Yahoo.
Windows 10 S không bán rời mà chỉ xuất hiện dưới dạng cài sẵn trên các laptop bình dân giá rẻ bán ngoài cửa hàng. Mục đích của Microsoft khi tung ra Windows 10 S là dành cho thị trường giáo dục, và là một đối thủ cạnh tranh với Chromebook (chạy hệ điều hành ChromeOS).
Windows 10 S có thể được nâng cấp lên Pro với mức giá 50 USD. Tuy nhiên nếu kinh phí cho phép thì bạn nên tránh xa phiên bản Windows này, vì với phần cứng “bèo” và số lượng ứng dụng trên Windows Store khá hạn chế thì bạn chẳng thể làm được gì “hay ho” cả.
4. Windows 10 Enterprise
Windows 10 Enterprise dành cho các doanh nghiệp lớn, và chỉ được bán thông qua hình thức volume license của Microsoft. Nếu như Windows 7 có bản Ultimate giúp mang toàn bộ tính năng của bản Enterprise đến người dùng gia đình, thì Windows 10 phân biệt rạch ròi giữa người dùng gia đình và doanh nghiệp.
Tuy nhiên bạn không cần phải quá lo lắng, vì các tính năng riêng của bản Enterprise cũng không có giá trị mấy với người dùng gia đình. Ví dụ, tính năng DirectAccess cho phép nhân viên truy cập từ xa đến mạng nội bộ của công ty thông qua một kết nối tương tự VPN nhưng bảo mật hơn. Hay tính năng AppLocker cho phép quản trị viên khóa một số ứng dụng cụ thể trên máy tính người dùng. Ngoài ra, Windows 10 Enterprise cũng có một số tính năng khác cho phép các nhân viên IT cài đặt hay đồng bộ hàng loạt các máy tính Windows trong doanh nghiệp một cách dễ dàng hơn.
5. Windows 10 Education
Windows 10 Education có đầy đủ các tính năng của bản Enterprise, nhưng thay vì được cấu hình cho doanh nghiệp thì lại được cấu hình để phù hợp với môi trường giáo dục. Trước đây, Cortana không có mặt trong Windows 10 Education, nhưng nay đã được Microsoft thêm vào.
Windows 10 Education cũng có giá thấp hơn nhiều so với Enterprise nhằm giúp các cơ sở giáo dục giảm thiểu được chi phí mà vẫn có được một bản Windows đầy đủ tính năng, có thể khóa các nội dung game và nội dung không phù hợp với giáo dục.
Khác với bản Enterprise chỉ có thể được nâng cấp từ Pro, bản Education có thể được nâng cấp từ Home.
6. Windows 10 Pro Education
Lại một bản Education khác, nhưng Pro Education thực ra là bản WIndows 10 Pro với một vài thiết lập mặc định dành riêng cho môi trường giáo dục.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Pro Education và Education là bản Pro Education được cài sẵn trên các máy tính nằm trong chương trình K-12, và khi tham gia chương trình này thì các trường học không phải mua bản quyền volume thông qua Microsoft nữa. Đối với các trường học nhỏ không có đội ngũ nhân viên IT hoặc không cần các tính năng Enterprise trong bản Education thì Pro Education là một sự lựa chọn hợp lý.
Cả hai phiên bản Education nêu trên đều có một ứng dụng tên là “Set Up School PCs” giúp các quản trị viên mạng máy tính trong các trường học dễ dàng quản lý hệ thống hơn.
Với ứng dụng nêu trên, quản trị viên có thể xóa các ứng dụng bloatware, đăng nhập máy tính vào domain của trường học, cấu hình Windows Update để tránh việc máy tự khởi động lại giữa giờ học. Sau khi đã thiết lập đầy đủ, họ sẽ có thể đóng gói các thiết lập này lên một ổ USB và mang đi áp dụng lên các máy khác trong trường một cách dễ dàng.
7. Windows 10 Mobile
Đây là bản Windows dành cho smartphone, là một phần trong kế hoạch thống nhất mọi hệ điều hành trên mọi thiết bị của Microsoft. Windows 10 Mobile có khả năng chạy các ứng dụng trên Store tương tự Windows 10, và được trang bị tính năng Continuum giúp biến điện thoại thành một chiếc PC khi nối với màn hình lớn.
Tuy nhiên, số phận Windows 10 Mobile lại không được suôn sẻ lắm, khi chịu sự cạnh tranh quá khốc liệt từ Android và iOS. Thiếu ứng dụng, thiếu sự quan tâm từ Microsoft, Windows 10 Mobile dường như sắp đi đến hồi kết.
8. Windows 10 Mobile Enterprise
Windows 10 Mobile Enterprise giống như Mobile, trừ việc có thêm những tính năng dành cho doanh nghiệp. Phiên bản này rất ít khi xuất hiện trên thị trường, do đó hầu như chẳng ai biết đến sự tồn tại của nó, đặc biệt là ở Việt Nam.
9. Windows 10 IoT (Internet vạn vật)
Trước Windows 10, Microsoft đã tạo ra một bản Windows giản lược gọi là Windows Embedded mà đại diện tiêu biểu nhất là Windows XP Embedded được sử dụng rộng rãi trên các máy ATM, máy thanh toán tiền, máy bán hàng tự động… Windows IoT chính là kẻ kế thừa của Windows Embedded, có thể chạy trên nhiều loại thiết bị với cấu hình vừa phải, không đòi hỏi tài nguyên cao.
Windows 10 IoT lại được chia thành 2 bản khác là IoT Core và IoT Enterprise. Bản Core là bản miễn phí, ai cũng có thể tải về và cài trên các thiết bị như Raspberry Pi. Bản Enterprise thì tương đương với Windows 10 Enterprise nhưng mạnh mẽ hơn, dùng cho các loại robot công nghiệp, máy thanh toán tiền và nhiều thiết bị IoT khác.
10. Windows 10 Team
Windows 10 Team là một bản Windows đặc biệt chạy trên một thiết bị cũng đặc biệt không kém là chiếc Surface Hub.
Surface Hub là một chiếc bảng tương tác thông minh, được thiết kế cho doanh nghiệp để giúp các nhân viên cùng chia sẻ ý tưởng và thực hiện các cuộc họp video giữa các địa điểm với nhau.
Windows 10 Team được xây dựng trên nền tảng bản Enterprise nhưng được tối ưu giao diện cho các loại bảng thông minh kích cỡ lớn. Mọi người có thể sử dụng nó bằng cách đăng nhập vào một tài khoản người dùng cấp thấp, và sau khi họ kết thúc phiên làm việc, dữ liệu sẽ được lưu lên OneDrive và hệ thống sẽ xóa toàn bộ các tập tin offline mà người dùng vừa tạo ra.
Giống Windows 10 S, Windows 10 Team không thể cài được các ứng dụng desktop truyền thống.
11. Windows 10 Pro for Workstation
Cái tên đã nói lên tất cả: đây là bản Windows 10 Pro dành cho máy trạm (workstation), chuyên dùng trên các hệ thống máy tính “siêu khủng” hoạt động với tần suất cao.
Microsoft đã thực hiện một số cải tiến giúp Windows 10 Pro Workstation hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế khả năng lỗi dữ liệu, tăng tốc truyền tải tập tin trong mạng nội bộ, và có thể nhận đến 6TB RAM.
Bản Windows này sẽ ra mắt cùng thời điểm với bản cập nhật Fall Creators Update sắp tới.
Tóm lại:
- Windows 10 Home: bản Windows tiêu chuẩn, dùng cho gia đình.
- Windows 10 Pro: dựa trên Home, dùng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dùng có kinh nghiệm.
- Windows 10 S: bản giản lược nhằm cạnh tranh với Chromebook, chỉ cài được ứng dụng từ Windows Store.
- Windows 10 Enterprise: chỉ bán qua hệ thống volume license, dùng cho doanh nghiệp lớn.
- Windows 10 Education: dựa trên Enterprise, dùng cho trường học, giá thấp hơn Enterprise.
- Windows 10 Pro Education: được cài sẵn trên các máy tính trong chương trình K-12, dựa trên Pro, dùng cho trường học.
- Windows 10 Mobile: dùng cho smartphone.
- Windows 10 Mobile Enterprise: dùng cho smartphone trong các doanh nghiệp.
- Windows 10 IoT: thay thế Windows Embedded, là bản Windows giản lược dùng trên các thiết bị như robot, ATM…
- Windows 10 Team: dùng cho bảng thông minh Surface Hub.
- Windows 10 Pro for Workstation: dựa trên bản Pro, dùng cho máy trạm với cường độ làm việc cao, cần tính toán nhiều.